Em biết không? Mùa hè xanh… Với anh như một giấc mơ dài thật dài mà đôi lúc hoang đường anh chỉ muốn mình nằm mãi trong giấc mơ ấy. Đến nỗi mà khi đã hoàn thành chiến dịch và trở về cuộc sống thường nhật với bộn bề lo âu, nhưng phải mất khá lâu để anh thôi đi cái hành động “kì quặc” mỗi buổi sáng là dậy thật sớm và tìm bận ngay cái áo màu xanh xanh… Cái hành động ấy đôi khi vô thức chỉ là một thói quen khi còn ở chiến dịch mà anh chưa thể nào quên được, nhưng đôi khi, dù nhận thức đó nhưng anh vẫn cố tình vì đơn giản là chỉ để thỏa lòng mong nhớ…

Anh nhớ… Khoảng thời gian này năm trước là những cánh hoa phượng đã bắt đầu lác đác rơi làm đỏ rực cả một lối về kí túc xá. Khi mà đi đâu cũng nghe thấy thứ âm thanh quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ học trò. Thứ âm thanh ấy lúc trầm, lúc bổng làm con người ta cứ nao nao về một mùa hè đầy yêu thương, nhiệt huyết. Anh! Chàng sinh viên năm nhất… vẫn còn chưa hết bỡ ngỡ với giảng đường đại học mà đã chuẩn bị bước sang hè. Lúc ấy trong anh khái niệm mùa hè xanh hãy còn mơ hồ lắm. Nhưng mà thật sự anh rất muốn được “chinh phục” khi nghe mọi người bảo nhiều về nó, đại loại như là phỏng vấn khó lắm, đi vui lắm, học hỏi nhiều thứ lắm… Em biết không? Anh chẳng có gì đặc biệt, lúc làm đơn đăng kí có mục năng khiếu anh không biết điền gì vào đó cả. Hành trang anh mang theo khi bước vào phòng phỏng vấn chỉ có duy nhất một thứ đó chính là quyết tâm. Để rồi một ngày nọ, anh thật sự hạnh phúc khi biết được rằng mình đã chính thức trở thành người chiến sĩ của mặt trận ngoại thành, chiến dịch Mùa hè xanh đại học Khoa học Tự nhiên 2014. Hôm đó trên lối về, phượng rơi nhiều hơn, đỏ thắm hơn bao giờ hết…như chính lòng anh đang rực cháy lên ngọn lửa nhiệt huyết vậy!

Từ lúc biết tin mình “đậu” đến khi bắt đầu chiến dịch cũng khá lâu. Qua những lần họp đội để nghe anh chỉ huy trưởng quán triệt nhiều thứ cũng như làm “công tác tư tưởng” mà lo lắm. Anh đã từng mường tượng về một mùa hè tồi tệ nhất cuộc đời mình, nó trái hẳn với bản tính lạc quan vốn có của anh. Nhưng anh không thể không suy nghĩ khi mà nào là phải ngủ trước 10 giờ, không được dùng điện thoại buổi tối, không có quạt máy khi ngủ,… Ôi thôi rồi, em biết đấy! Với một chàng IT như anh ngủ sớm đã khó rồi mà còn không được dùng điện thoại thì có mà buồn chết mất phải không? Nói thế thôi chứ cũng mong đến ngày được đi lắm. Hôm khai mạc chiến dịch cấp thành, cũng là hôm ra quân về mặt trận. Đông vui lắm! Cả một góc công viên 23/9 được phủ xanh bởi sắc áo tình nguyện. Mặc chiếc áo xanh, đội nón tai bèo, quấn khăn rằn, mang ba lô trên vai,chợt anh cảm thấy mình như một người chiến sĩ thực thụ. Chiếc xe ngoại thành lăn bánh mang năm mươi cona người với những tính cách khác nhau, hoàn cảnh khác nhau về cùng một hướng. Thứ duy nhất mà họ giống nhau có lẽ không nói nhưng ai cũng đều biết đó chính là …cái tâm tình nguyện.

14987724475_85210e500b_z

Cần Giờ đón anh không chỉ bằng cái nắng, nóng đến bỏng da bỏng thịt mà còn bằng cả những cơn mưa dầm đến thối đất, thối cát. Không ngoa khi nói rằng thời tiết nơi đây khó chịu hơn rất nhiều so với thành phố. Minh chứng là các em, chị, bạn nữ trong đội sau chiến dịch ai cũng đen lên trông thấy. Ấn tượng đầu tiên trong anh về nơi đây đó chính là bến phà. Thú thật đó là lần đầu tiên được đi phà qua sông đấy… Mà không chỉ riêng anh đâu, hẳn là nhiều bạn nữa trong đội cũng thế. Nhìn nụ cười luôn hiện hữu trên gương mặt các bạn thôi là đủ biết phấn khởi đến nhường nào rồi. Ấy thế mà lạ lắm! Dù vui đấy, phấn khởi đấy nhưng sao anh không thể cười được. Ngồi lặng im bên cửa sổ, đưa mắt nhìn xa xăm, thi thoảng có gió lùa vào làm khóe mắt cay cay. Không phải buồn gì đâu, chỉ là anh biết rằng, khi chuyến tàu này cập bến, là một tháng sau anh mới có thể trở về nhà. Phút giây, anh thấy mình yếu đuối…

Ấn tượng tiếp theo cũng có thể là một trong những ấn tượng khó phai nhất đó là ngôi nhà mà anh sẽ ở lại suốt chiến dịch. Ngôi nhà ấy có hai cô công chúa và ba má, đúng ra là cô chú, nhưng chẳng biết tự khi nào mà cách xưng hô lại thay đổi như thế nữa. Nhờ có ba má, mà anh đã vơi đi bớt phần nào những nỗi nhớ da diết không thành tên về thành phố, về những người anh yêu thương đang đợi mong anh từng ngày.

14852886796_1ca8bffff0_z

“Nhà” anh có năm người, ý là năm chiến sĩ được bố trí ở cùng nhau ấy. Anh nhớ những ngày mới xuống, trong lúc đợi nhiệm vụ từ chỉ huy, cả nhà anh quyết định xách ba lô lên… À không, xách bao lên và đi… xin ve chai. Thoạt đầu sợ lắm, cả bọn lấm la lấm lét cứ như đi ăn trộm vậy. Cảm giác vào tận nhà bà con lối xóm xin từng cái vỏ lon, chai nhựa thật sự là nếu chưa từng trải qua anh chắc rằng em sẽ không tưởng tượng ra được đâu. May mắn cho bọn anh là chưa bị ai mắng… 😀 Đôi khi còn được bà con cho cái bánh, cái kẹo mà vui lắm, hạnh phúc lắm. Rồi có những ngày, cả bọn cũng rong ruổi đi khắp nơi, lần này không phải xin ve chai nữa, mà đi tuyên truyền. Đây là công việc mà anh nghĩ nó thử thách lòng kiên nhẫn của anh rất nhiều. Bởi đôi khi gặp phải những người khó tính, hoặc chỉ đơn giản là họ không thích nghe thì mệt lắm. Mình phải nói, nói và nói trong khi họ chả quan tâm gì thì đó là một cực hình.

Khi còn ở Sài Gòn anh đã từng đi làm gia sư rồi nhưng anh không nghĩ công việc dạy học cho các em thiếu nhi nơi đây lại thú vị đến vậy. Hãy tưởng tượng trước mặt, em phải rèn chữ cho bé lớp một, sau lưng em dạy toán cho bé lớp bảy, bên trái em là tiếng việt lớp ba, hay bên phải em là tiếng anh lớp sáu. Cái không khí hỗn độn ấy đôi lúc làm em phát bực mà quát lên bởi các bé cứ loi nhoi, nhưng đôi lúc lại cực kì xúc động vì các bé rất hiếu học. Anh nhớ như in vào một buổi chiều muộn, bọn anh không mượn được phòng dạy học, cũng định là sẽ hủy nhưng các bé không chịu cứ đòi cho bằng được. Đang loay hoay không biết thế nào thì cũng may mắn thay là có một nhà cô chú gần đó đồng ý cho các bé vào học tạm một buổi. Nhà không rộng lắm nhưng cũng đủ cho mười mấy đứa chen chúc nhau. Đứa ngồi trên bàn, đứa nằm dưới sàn, có đứa ngồi cả ngoài hè nữa. Trong số đó có một bé mà cho đến giờ phút này, anh vẫn không thể quên đi làn da cháy nắng và đôi mắt sâu của bé. Bé Tí được bố đèo trên chiếc xe đạp đã nhuốm màu sương gió đến với các anh chị mùa hè xanh với mong muốn rằng các anh chị sẽ dạy cho tập đếm. Dù đã bảy tuổi rồi nhưng vì không có điều kiện đến trường nên trông bé vẫn như một đứa trẻ vừa mới biết nói vậy. Hôm ấy trời đổ mưa to, cơn mưa mang theo cả sấm, cả sét. Mưa tạc vào hè làm các bé ngoài đó phải di chuyển vào bên trong. Rồi mưa tạc luôn vào trong khiến cả thầy lẫn trò phải chuyển xuống nhà dưới. Khó khăn là thế, nhưng không có một bé nào có ý định dừng lại cả. Nhìn nụ cười bé Tí hồn nhiên khi lần đầu tiên “đi học” làm anh không khỏi chạnh lòng. Tiếng bé ê a nghe thương lắm, nếu bé hiểu được rằng bố mình đang đợi ngoài hè không ngại gió mưa thì bé sẽ yêu thương bố mình nhiều lắm đấy.

Đến với mùa hè xanh, em sẽ biết được nhiều cái gọi là “lần đầu tiên” lắm. Cái lần đầu tiên mà anh cũng rất ấn tượng đó chính là cái lần đi “phá nhà” người ta. Đùa thế thôi chứ chuyện là hôm ấy đội hình của anh nhận nhiệm vụ đắp một con đường cho một một người dân trong xã. Bác ấy đã ngoài năm mươi, sống một mình với căn bệnh liệt nửa người. Đi lại là một điều rất khó khăn với bác, lại càng khó khăn hơn khi con đường rẽ vào nhà bác suốt hơn ba năm nay bị đắm chìm trong nước bẩn. Nước cao phải ngang tầm vai của một đứa trẻ. Nước bẩn đến nỗi không một người khách nào dám ghé thăm hay thậm chí không một nhân viên nào dám vào để đổi gas cho bác. Việc quyết định đắp con đường cho bác thật sự không nằm trong kế hoạch của chiến dịch, nó hoàn toàn bộc phát từ sự đồng cảm các chiến sĩ dành cho một con người, một hoàn cảnh đang cần lắm sự giúp đỡ từ mọi người. Thế đấy, để có xà bần cho việc đắp đường mà bọn anh đã phải lần đầu tiên “phá nhà” là như vậy. Căn nhà bị phá không quá lớn, nhưng cái cảm giác mà cả bọn cùng ôm khúc cây to tướng dộng liên tục vào các tấm tường sừng sững, thẳng đứng cho nó ngã quả thật giờ nghĩ lại anh vẫn phải rùng mình. Vì đơn giản chẳng biết nó có ngã về hướng của mình không. Nếu lỡ nó ngã về mình thật thì… xác định. Cũng mất hết một ngày để con đường kịp hoàn thành trong niềm vui sướng và hạnh phúc không chỉ với riêng bác mà cả với hai mươi lăm chiến sĩ bọn anh. Con đường ấy được vun đắp bằng tình thương, bằng những giọt mồ hôi của các bạn nữ kệ nệ ôm mớ xà bần đi bộ hơn 2km để đến được nhà bác, bằng những giọt máu của các bạn nam đôi lúc sơ sẩy bị đứt tay khi đập xà bần hay bằng cả sự hy sinh khi phải ngâm mình hàng giờ dưới nước bẩn để móc từng tấm bê tông cũ lên và thả xà bần mới xuống. Con đường ấy không quá dài để ta có thể nói lên điều gì nhưng là quá đủ để ta tự hào kết nối, mang một con người trở về lại với cuộc sống cộng đồng, xã hội suốt hơn ba năm bị cô lập.

Thế đấy em! Còn nhiều lắm những kỉ niệm mà với vốn từ nghèo nàn của mình trong phút giây anh không thể nào diễn đạt hết được. Anh sẽ nhớ lắm những buổi chiều tan việc, chút nắng yếu ớt tô hồng thêm đôi má các bạn nữ còn nhễ nhại mồ hôi, cả đội anh nắm tay nhau lội bộ trên một quãng đường dài thật dài để đón được bus về nhà. Đôi khi, ai đó ngân lên câu hát là cả bọn nghêu ngao theo như một cách để giết thời gian vô cùng hiệu quả. Dù mệt đấy nhưng sao lòng vẫn cứ rạo rực lên niềm phấn khởi đến tột cùng. Anh sẽ nhớ lắm những đêm cả đội ngủ lại cùng nhau, dù ít ỏi thôi, nhưng nó vui và đáng nhớ vô cùng, Em biết không? Cái trò chơi được cho là kinh điển mỗi lúc gặp nhau, chưa bao giờ chán đó là trò ma sói. Hay những điệu nhảy, những bài hát chẳng biết tự khi nào đã trở thành nét đặc trưng của các chiến sĩ ngoại thành. Anh sẽ nhớ lắm một đêm mà dù muốn cũng không thể nào quên được, ấy là cái đêm cuối cùng anh còn được mang danh xưng chiến sĩ, cái đêm mà người ta hay gọi nó là …đêm chia ly. Buổi tiệc nào mà không tàn, ai chia ly mà không một lần ngấn lệ. Cái khoảnh khắc hai mươi lăm con người ngồi lại cùng nhau bên ánh đèn leo lét đủ để nhìn rõ từng ánh mắt, từng gương mặt của nhau thật sự quá xúc động mà lúc này, anh không dám nghĩ quá nhiều vì sợ cảm xúc lại vỡ òa. Những con người xa lạ, chính xác là những người dưng nước lã mà sao lại quyến luyến nhau lúc chia li đến thế. Cái nắm chặt tay, cái ôm ấm áp như lời tuyên thệ cho một thứ tình cảm đặc biệt sẽ mãi tồn tại và nống cháy trong tim mỗi người những lúc nhớ về nhau, nhớ về ngoại thành, nhớ về chiến dịch mùa hè xanh!

14953925491_5a36a1b7c9_z

P/S: Sẽ có người nói sến súa, ướt át hay cường điệu hóa bla bla… Nhưng điều đó không quan trọng và cũng không quan tâm. Chỉ tiếc là không đủ điều kiện, thời gian và khả năng để đi tiếp một mùa hè xanh thứ hai. Sẽ nhớ mãi…!

Nguyễn Phi Linh
Chiến sĩ Mùa hè xanh trường ĐH. Khoa học Tự nhiên

}

CHIA SẺ