Sáng nay, ngày 08/01/2017, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp với Hội Sinh viên TP. Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ khởi công Không gian truyền thống Phong trào Học sinh – Sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh tại khuôn viên trường trước Nhà I, cơ sở 227 Nguyễn Văn Cừ. Đến với chương trình có sự hiện diện của các vị khách quý như Đ/c Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết BCH Trung Ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung Ương Hội Sinh viên Việt Nam, Đ/c Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Thầy Nguyễn Công Mậu – Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Sinh viên Thành phố, cùng các cô chú cựu sinh viên phong trào các thế hệ, Đảng ủy – Ban giám hiệu nhà trường, Ban thư ký Hội Sinh viên các trường bạn,… Đây là công trình thứ 2 trong chuỗi 6 công trình đặt tại các địa điểm gắn liền với phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên những năm tháng chống Pháp và chống Mỹ. Trước đó vào tháng 05/2016, công trình đầu tiên tại trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG TP.HCM đã chính thức khánh thành.
Trong bài phát biểu của mình, đ/c Lâm Đình Thắng – Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã nêu rõ Công trình này nhằm mục đích ghi nhận lại các “địa chỉ đỏ” trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên những năm tháng chống Pháp và chống Mỹ. Những địa điểm này đã chứng kiến dấu ấn của phong trào đấu tranh sôi nổi đòi thực thi công lý, giương cao ngọn cờ hòa bình của tuổi trẻ thành phố với những đêm hát không ngủ, các phong trào “hát cho dân tôi nghe, nghe đồng bào tôi hát”. Những nơi đã trở thành biểu tượng, là trái tim của cả phong trào tồn tại ngay bên cạnh đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Đ/c Lâm Đình Thắng – Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ
Tiếp đến, GS. TS Trần Linh Thước – Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã nhấn mạnh công trình tại Trường đặt tại trước Giảng đường 1 ngay khu vực là nơi diễn ra nhiều hoạt động của sinh viên Khoa học Đại Học Đường trong quá trình tranh đấu, cũng là nơi ghi dấu thành lập Chi bộ Sinh viên đầu tiên của Sài Gòn – Gia Định. Hình thành ý tưởng và tiến tới lễ khởi công ngày hôm nay là sự kết hợp của tâm huyết từ Đảng ủy – Ban Giám hiệu Nhà trường với Đoàn – Hội nhà trường, sự trân trọng góp sức của các thế hệ sinh viên phong trào, và sự đóng góp của Sinh viên trong và ngoài nhà trường. Điểm chung của Khoa học Đại học Đường – Đại học Khoa học – Đại học Khoa học Tự nhiên là dòng chảy xuyên suốt trong phong trào sinh viên của nhà trường qua các giai đoạn, đó là lòng yêu nước, yêu hòa bình, khát vọng tri thức, sự nỗ lực và khẳng định bản thân để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Cho dù đó là thời nào đi chăng nữa, phong trào hoạt động sinh viên của nhà trường cũng hòa vào dòng chảy yêu nước chung của dân tộc, ước mơ của thế hệ trước giải phóng là vì độc lập tự do của dân tộc để thế hệ sau có thể hiện thực hóa ước mơ của mình, học tập, nghiên cứu, ứng dụng khoa học để góp phần phát triển đất nước.
GS. TS Trần Linh Thước – Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng nhà trường đánh giá cao ý nghĩa của công trình và trân trọng ghi nhận sự nỗ lực đóng góp của nhiều thế hệ sinh viên phong trào
Đ/c Phạm Thị Ngọc Mai – Chủ tịch Hội Sinh viên trường trao hoa cảm ơn cho Điêu khắc gia Lâm Quang Nới. Điêu khắc gia đã có nhiều công trình nổi tiếng toàn quốc, gần đây nhất đó là tượng đài Hồ Chí Minh đặt tại Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ, phía trước Ủy ban nhân dân Thành phố, nay đã như một biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh
Công trình không gian truyền thống này được đặt trước Giảng đường 1, là một nơi mang nhiều dấu lịch sử của phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên tại Khoa học Đại học đường và Trường ĐH Khoa học. Cả Giảng đường và khu vực này là nơi diễn ra nhiều hoạt động của sinh viên trong quá trình tranh đấu, gắn bó với nhiều thế hệ của nhà trường cho đến ngày nay.
Phiên bản đất sét của tượng
Công trình này được thiết kế là một khối tượng với 3 cụm tượng thành phần chính.
Cụm trung tâm khắc họa rõ nét khí thế hào hùng của sinh viên xuống đường đấu tranh, được khởi nguồn bởi những buổi Hội thảo tại Giảng đường 1, Giảng đường 2 để tập hợp đông đảo lực lượng sinh viên, thanh niên. Biểu ngữ “Phản đối chiến tranh xâm lược – Hòa bình cho Việt Nam!” là lời đanh thép của những người trí thức trẻ về khát vọng hòa bình và ổn định để học tập và nghiên cứu. Hòa cùng ý chí của cả dân tộc, khát vọng đó vẫn còn ý nghĩa đối với cả thế hệ hiện nay.
Cụm bên trái thể hiện hoạt động văn hóa văn nghệ để tập hợp đông đảo sinh viên cùng tham gia đấu tranh, nhiều đội – nhóm phong trào đã gắn liền nhiều thế hệ sinh viên khoa học như Lửa hồng, Bừng Sống,, Hội Nữ sinh viên, Thế hệ mới, Đoàn Công tác xã hội, Đoàn Văn nghệ; chương trình Diễn đàn Khoa học, tập san Nghiên cứu khoa học… Từ đó, các nhân tố tích cực được thử thách rồi được kết nạp trở thành Hội viên, Đoàn viên, Đảng viên. Nơi đây cũng ghi dấu là nơi thành lập Chi bộ Sinh viên đầu tiên của phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn.
Cụm bên phải thể hiện hình ảnh các thế hệ sinh viên trường vẫn luôn miệt mài học tập, nghiên cứu khoa học, dù cho đó là giai đoạn đấu tranh hay hòa bình luôn đặt việc học tập, nghiên cứu khoa học lên hàng đầu để khẳng định bản thân, mang tri thức để phục vụ cho đất nước.
Một điểm đặc biệt của công trình chính là khoảng không ở giữa 3 cụm tượng được cách điệu thành hình ảnh 3 con người ngụ ý để có được điều kiện đấu tranh công khai trong sinh viên lúc bấy giờ thì luôn có sự âm thầm ủng hộ từ thầy cô, người lao động và sinh viên của nhà trường. Tất cả như một mái nhà che chở, giúp đỡ cho sinh viên lẫn trong đấu tranh và học tập.
Phía trên cùng của khối tượng là biểu tượng chim bồ câu với đôi cánh dang rộng thể hiện mong muốn hòa bình luôn ở trong tâm trí mỗi người. Một bên cánh chim là hình ảnh lá cờ Tổ quốc, một bên là biểu tượng khoa học tự nhiên khắc họa rõ nét tinh thần của các thế hệ giảng viên, sinh viên nhà trường luôn hướng về Tổ quốc và khát vọng làm giàu tri thức khoa học để vươn cao vươn xa hơn nữa.
Đây không chỉ là một trong những công trình mang tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên thành phố hiện nay mà còn là nghĩa cử, một thông điệp tri ân đến các thế hệ anh hùng, học sinh, sinh viên đã hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc hôm nay; là một dấu ấn đậm chất truyền thống của tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác
Dự kiến công trình sẽ khánh thành vào ngày 30/04/2017
Lãnh đạo Trung ương Hội, Thành phố cũng cô chú cựu sinh viên phong trào tham gia Nghi thức khởi công (từ trái sang: thầy Nguyễn Công Mậu – Phó Bí thư Đảng ủy ĐHQG – HCM; GS.TS Trần Linh Thước – Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng nhà trường; Chú Phạm Chánh Trực – Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh – Chủ nhiệm CLB truyền thống Thành Đoàn; Cô Trương Mỹ Lệ – Nguyên Bí thư Thành Đoàn TP. HCM – Phó Chủ nhiệm CLB truyền thống Thành Đoàn; Đ/c Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết BCH Trung Ương Đảng – Bí thư thứ nhất BCH Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Chủ tịch Trung Ương Hội Sinh viên Việt Nam, Đ/c Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Đ/c Lâm Đình Thắng – Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP. HCM; Chú Nguyễn Đình Mai – Trưởng ban Liên lạc cựu Sinh viên phong trào Đại học Khoa học)
Trường Đại học Khoa học giai đoạn những năm 1960 đến 1975 (tiền thân của Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG – HCM) được xem là cái nôi nghiên cứu khoa học cơ bản. Cùng với bề dày lịch sử đất nước và dân tộc, sát cánh cùng đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ toàn miền Nam, lực lượng học sinh – sinh viên thành phố mà đại diện là Thành Đoàn Học sinh – Sinh viên Giải Phóng Sài Gòn Gia Định đã đóng góp phần công sức rất lớn để có được ngày đại thắng mùa xuân năm 1975, mà trong đó trường Đại học Khoa học thực sự là một nơi sôi nổi trong tranh đấu. Rất nhiều các thế hệ thầy cô, sinh viên, người lao động của trường, ngoài công việc, học tập, nghiên cứu khoa học, đã có những hoạt động đấu tranh giành tự do – dân tộc, phản đối chiến tranh xâm lược, đòi hòa bình cho Việt Nam.
Các thế hệ nhà trường luôn hun đúc những truyền thống quý báu về khát vọng tri thức, khẳng định bản thân để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Cho dù đó là thời nào đi chăng nữa, thì cũng đi vào dòng chảy yêu nước chung của dân tộc, ước mơ của thế hệ trước giải phóng là vì độc lập tự do của dân tộc để thế hệ sau có thể hiện thực hóa ước mơ của mình, đưa khoa học đến mọi miền Tổ quốc để đất nước ngày càng phát triển.
Công trình điêu khắc này là một biểu tượng, minh chứng hùng hồn về một thời tranh đấu của thầy cô, sinh viên, người lao động của nhà trường, vẫn còn có ý nghĩa đến thời điểm hiện tại như một lời nhắc nhở các thế hệ về một niềm tự hào về truyền thống của ngôi trường Anh hùng.